Rượu vang được xem như “giai nhân” của các món ăn Âu khi khiến hương vị từng món trở nên đậm đà, tinh tế hơn những gì vốn có của nó. Những người sành vang thường nói “ Vang thì nói mãi chẳng bao giờ hết!” Thật vậy, mỗi loại vang đều có cách kết hợp riêng cần phải cân nhắc, nghiên cứu kỹ càng để có được hương vị đạt chuẩn và ăn ý nhất. Ngay cả cách cầm, rót, bảo quản từng chai rượu – vốn là tinh hoa ẩm thực – cũng phải tuân theo những quy tắc nhất định. Không như uống một ly nước giải khát thông thường hay cụng vài ly beer lúc cao hứng, rượu vang có quá nhiều thứ liên quan mà bạn sẽ phải dần làm quen với từng ngõ ngách của loại thức uống này nếu muốn dấn thân vào thú chơi rượu vang.
Rượu càng lâu năm càng ngon?
Thực ra năm được ghi trên nhãn với các loại rượu có xuất xứ từ Âu châu là năm mà mùa nho được thu hoạch. Còn với các loại rượu có nguồn gốc từ Úc, Bắc Mỹ và Nam Mỹ là năm mùa nho thu hoạch hoặc năm rượu vào chai sau khi đã lên men thành rượu. Năm nào có mùa nho ngon, người pha chế giỏi ắt sẽ cho loại rượu có chất lượng tốt. Dân chơi rượu nhận biết rượu ngon không chỉ nhìn số năm mà còn nhìn vào năm ấy thời tiết thế nào. Nho phụ thuộc nhiều vô thời tiết, đa số các năm bình thường nhà rượu phải bổ trợ kỹ thuật lẫn gia vị như cam, chanh, thảo quả… để rượu ủ ra thật ngon. Nhưng có những năm hiếm hoi, thời tiết quá đẹp nên nho ngon bất ngờ, cho rượu ngon hơn hẳn các năm khác, hoàn toàn tự nhiên mà không cần con người can thiệp. Người ta gọi nó là năm vintage year (tức năm để mua rượu làm của). Hiện nay khi nhắc tới rượu đỏ thì những năm đó là 61, 82, 2009 và 2010 (tức gần 50 năm chỉ có 4 lần, rất hiếm). Rượu vang đỏ truyền thống từ các lâu đài của Pháp vào những năm này đắt kinh khủng khiếp.
Vì sao vang lại “chát”?
Chát ở đây là do chất tannin có trong vỏ và hột nho tiết ra khi nước ép nho lên men. Thực ra không đến nỗi quá chát nhưng do khi vào Việt Nam, chất chát này là một vị khá lạ so với nhiều loại rượu bản địa nên mọi người chú ý, và vì thế mà vang hiện nay vẫn được nhiều người gọi là “rượu chát”. Vị chát này là một cảm giác “nhẫn nhẫn” gợn gợn ở giữa, hơi giống với vị của chuối xanh hay quả lý. Nhưng ai cũng thừa nhận rằng vị “chát” này khiến món ăn trở nên ngon hơn khi dùng chung với vang, cũng giống như chuối chát giúp trung hòa các vị của rau sống: chua của khế, cay của ớt, ngọt của đường, mặn của các loại nước chấm mắm nêm hay vị nồng của các loại rau thơm.
Tại sao ủ vang bằng gỗ sồi?
Trước đây, thùng gỗ được sử dụng đơn giản như một “thùng chứa” để vang trưởng thành nhờ quá trình õi hóa qua nhiều năm. Dần dà, khi sử dụng gỗ sồi, người ta nhận thấy hương vị vang có ảnh hưởng nhất định từ gỗ sồi (mùi gỗ, mùi khói, màu sắc ảnh hưởng) nên dần dà gỗ sồi được sử dụng phổ biến. Hơn nữa, gỗ sồi còn rất bền có thể sử dụng nhiều lần.
Thanh gỗ sồi được xẻ thẳng, để uốn cong làm thành thùng gỗ sẽ phải hơ qua lửa để thanh gỗ mềm dễ uống cong. Chính lý do này nên thùng gỗ có những chỗ bị xém lửa, tạo một vệt than mỏng khiến rượu khi được ủ sẽ mang theo một chút mùi khói.
Uống vang cần nhiều loại ly khác nhau?
Chính xác! Khác với champagne phải dùng ly flute miệng nhỏ, thân thon gọn và dài, chân ly thật cao để quan sát được bọt sủi tăm, thì vang uống với ly bầu, miệng ly nhỏ hơn bầu ly để lưu giữ hương thơm của rượu. Rượu vang cần có độ lạnh cần thiết để nâng tầm hương vị, do đó khi uống, bạn nên cầm ly ở phần đế hoặc chân, chỉ dùng ngón tay nâng nhẹ ly rượu. Tránh dùng bàn tay tiếp xúc với phần bầu rượu bởi nhiệt độ từ lòng bàn tay sẽ làm rượu ấm lên, ảnh hưởng lớn đến chất lượng.
Làm thế nào để thưởng thức rượu vang hoàn chỉnh?
Rót rượu vang, đừng chỉ rót “dính” đáy ly như các loại rượu mạnh mà ít nhất phải từ 1/3 đến 2/3 ly rượu. Đối với vang đỏ, 1/2 ly rượu là hoàn hảo, còn với vang trắng và hồng thì chỉ nên rót 1/3 ly để có thể thưởng thức từ từ, chậm rãi. Khi rót rượu, miệng chai phải cách một khoảng nhỏ chứ không kê cổ chai lên miệng ly để rót. Trước khi uống nên lắc nhẹ cho rượu sánh quanh ly, nhìn thứ chất lỏng kỳ diệu ấy chậm rãi, thong thả nhấm nháp hương rượu nồng nàn từ ly rượu.
Với vang trắng và vang hồng, bạn nên ngâm lạnh đến khoảng 10 đến 12 độ, ly rượu sẽ đậm đà và giữ được hương vị lâu dài. Nhớ rằng sau khi rót rượu xong cần ngâm lại vào xô đá. Còn đối với vang đỏ, nhiệt độ chuẩn cao hơn một chút nên chỉ cần ngâm đá vừa đủ. Nếu nhiệt độ quá thấp có thể làm mùi vị bị hỏng. Ngoài ra, trước khi sử dụng vang đỏ, bạn cần mở chai khoảng 15-30 phút để rượu được “thở”, nghĩa là tác dụng với oxy, cho bay bớt cồn. Việc này khiến mùi vị của vang đỏ đậm hơn, nồng và chát hơn.
Đừng pha thêm nước đá, nước lạnh, sô đa hay bất cứ thứ gì vào rượu vang vì như thế mùi rượu vang sẽ không còn. Nếu làm vậy, bạn nên uống một thứ cocktail nào đó hơn là chọn rượu vang!
Cuối cùng khi uống rượu ta hay mời nhau cụng ly. Rất nên cụng ly vào đầu buổi tiệc và những lúc quan trọng cần nhấn mạnh. Tiếng va chạm của thủy tinh sẽ cho bạn nghe được tiếng rượu – là giác quan sau cùng, tinh tế được hưởng thụ sản vật Trời ban cho sau bốn giác quan: mắt nhìn được rượu, tay cầm được rượu, mũi ngửi được hương rượu và lưỡi nếm vị rượu.
Bảo quản vang như thế nào?
Trái với suy nghĩ thông thường là bày rượu trong tủ kính, trên thực tế, các chuyên gia về rượu vang khuyên rằng, bạn nên sử dụng giá để rượu, đặt các chai nằm nàng, để rượu tiếp xúc với nút bần. Điều này sẽ giữ cho nút luôn ẩm ướt, tránh không khí lọt vào trong chai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng và hương vị của rượu.
Nhiệt độ lý tưởng nhất để bảo quản rượu là khoảng 15-17 độ C, nên là nơi ẩm, tối, tránh ánh sáng mặt trời vì nó có thể khiến nhiệt độ tăng lên và tác động đến vị của rượu vang.
Rượu nên dùng tốt nhất là 3-4 tiếng sau khi mở, nếu để quá lâu, rượu tác dụng với không khí, mùi vị sẽ không còn đạt chuẩn. Nếu ở nhà, thì tốt nhất, bạn nên uống hết chai rượu trong một vài lần đầu tiên bởi không có cách nào khắc phục. Còn ở các khách sạn, người ta sử dụng các loại nút cao su để tránh tối đa không khí hoặc dùng cách bơm khí nitơ để nén không cho không khí bay vào.